Người đàn ông nằm trên bàn mổ chờ đợi phẫu thuật; một tiếng đồng hồ sau vợ anh ta gọi điện cho bác sĩ, giọng run rẩy: "Hãy giúp chúng tôi".
Quy trình hiến tặng tinh trùng diễn ra như thế nào
Bác sĩ nhanh chóng chuẩn bị. Ông rửa tay kỹ càng, đeo găng trong lúc phụ tá mang ra các dụng cụ tiệt trùng. Giữa bốn bức tường màu vàng nhạt, không khí lạnh lẽo, nặng nề với đầy mùi thuốc sát trùng.
Thầy thuốc đã sẵn sàng. Ông dừng lại, tưởng tượng trong đầu trước khi đặt dao xẻ một đường rồi cắt đi một phần nội tạng bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công, bác sĩ cẩn thận khâu lại vết mổ. Bệnh nhân vẫn nằm đó. Căn phòng yên ắng, không tiếng bíp nào vang lên. Chẳng ai kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, bệnh nhân cũng không được tiêm thuốc giảm đau bởi thực ra anh ta đã chết từ 30 tiếng trước. Thứ bác sĩ đã lấy đi là phần chất lỏng tạo nên sự sống: tinh trùng.
Người đàn ông ấy là Michael "Mike" Clark. Anh kết hôn với Ana được một năm thì nhận lệnh ra chiến trường nước ngoài. Chàng trung sĩ lục quân 25 tuổi nhập ngũ cách đây 7 năm và đạt được vô số chiến tích. Cặp uyên ương quyết định đi dọc đường cao tốc California bằng môtô trước khi Mike lên đường. Không may đó lại là hành trình cuối cùng của họ. Chiếc xe lao xuống vực, chỉ mình Ana sống sót.
Xem thêm một số thông tin hữu ích từ đời sống sức khoẻ hăng ngày của bạn
Hồi phục từ chấn thương cột sống và gãy xương vai, góa phụ trẻ tuyệt vọng, quẫn trí vì không chỉ mất chồng mà còn mất đi cơ hội có con với anh. "Chúng tôi đã nói về chuyện đó 1-2 tuần trước khi anh ấy qua đời. Mike nói thật tệ khi chúng tôi chưa thể đi đóng băng tinh trùng", Ana chua xót. Vô tình, một người bạn nảy ra ý tưởng lấy tinh trùng từ thi hài Mike. Ana quyết định tra trên Google rồi tìm được một bác sĩ sẵn sàng tách tinh trùng của người chết. Cô thuê một chiếc xe tang để đưa Mike từ Bệnh viện Riverside, California, đến San Diego cách đó 100 km. "Điều này cho tôi cảm giác anh ấy không rời đi mãi mãi, rằng tôi vẫn có thể mang theo một phần của anh ấy", Ana trải lòng.
Sự khởi đầu
Cuối những năm 1970, bác sĩ tiết niệu Capy Rothman ở Los Angeles thực hiện thành công ca lấy tinh trùng từ tử thi đầu tiên rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng. "Lịch làm việc của tôi kín hết 6 tháng", Rothman kể với Medical Daily. Một nguyên thủ quốc gia còn liên lạc với ông để tách tinh trùng cho đứa con trai qua đời vì tai nạn ôtô.
Năm 1999, thế giới ghi nhận ca sinh nở thành công đầu tiên từ tinh trùng người chết. Với sự giúp đỡ của Rothman, Gaby Vernoff hạ sinh bé Brandalynn nhờ tinh trùng được lấy 30 giờ sau cái chết của người chồng. Ngày nay, Rothman là nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc y tế California Cryobank, ngân hàng tinh trùng lớn nhất nước Mỹ. Ông đã thực hiện khoảng 200 ca tách tinh trùng từ người chết, trong đó có 3 ca vào năm 1980, 15 ca vào những năm 1990 và 130 ca từ năm 2000-2014.
Tách tinh trùng
Cơ thể chúng ta chết dần chứ không ngừng hoạt động cùng một lúc. Nhiều công trình cho thấy nếu được bảo quản ở điều kiện thích hợp, tinh trùng có thể sống lâu hơn 24-36 tiếng sau khi bệnh nhân qua đời. Tháng 4/2015, giới y học Austrlia tuyên bố một em bé chào đời an toàn nhờ tinh trùng chiết tách 48 tiếng sau khi người cha qua đời. Không cần hoàn hảo, tinh trùng "chậm chạp" vẫn có thể tạo nên thai nhi, chỉ cần nó được tiêm vào trứng.
Tinh trùng được lấy bằng nhiều cách, trong đó có sử dụng kim tiêm hoặc phẫu thuật. Bản thân Rothman đưa ra 3 lựa chọn: Bơm vào tử thi một loại thuốc kích thích xuất tinh, loại bỏ cơ quan sinh dục rồi tìm tinh trùng hoặc kích thích bằng tay trong trường hợp bệnh nhân chỉ chết não. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xốc điện vốn được triển khai từ lâu và vẫn tiếp tục sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi.
Không phải ai cũng được yêu cầu tách tinh trùng. Martin Bastuba, nhà sáng lập kiêm giám đốc y tế tại Trung tâm Nam khoa và Y học Tình dục San Diego là người lấy tinh trùng của Mike Clark sau vụ tai nạn môtô nói: "Không có quy định cụ thể. Hầu hết luật lệ được thiết lập trước khi kỹ thuật này ra đời".
Nếu bệnh nhân nam tước khi qua đời không đăng ký hiến tạng, thân nhân có thể quyết định khi nào ngừng hỗ trợ sự sống, sử dụng phần thi hài ra sao. Tinh trùng lại rất đặc biệt. Hiệp hội Sinh sản Mỹ năm 2013 nhận định: "Trong điều kiện thiếu văn bản hướng dẫn, các bác sĩ không bắt buộc phải thực hiện lấy tinh trùng hoặc sử dụng tinh trùng chiết tách theo yêu cầu của người vợ hay đối tác còn sống". Ở Mỹ, chính sách khai thác tinh trùng của người đã khuất không nhất quán. Hai bệnh viện nằm đối diện nhau hoàn toàn có khả năng đưa ra những quyết định trái ngược.
Ngày nay, phần lớn các bác sĩ tiết niệu thực hiện tách tinh trùng theo bản hướng dẫn của Đại học Cornell. Hướng dẫn này quy định người yêu cầu thực hiện phải là vợ của bệnh nhân đã qua đời, cặp đôi trước đó từng cam kết có con với nhau và góa phụ phải chờ ít nhất một năm mới được sử dụng tinh trùng. Nếu một bác sĩ hoặc bệnh viện cảm thấy không thoải mái, họ có thể chuyển thi thể đến nơi khác để thực hiện chiết tách. Bastuba đã từng đến các đơn vị chăm sóc đặc biệt, nhà xác, văn phòng bác sĩ pháp y, thậm chí là nhà tang lễ để "bắt" tinh trùng.
Tại các quốc gia khác, luật tách tinh trùng cũng chưa rõ ràng. Pháp, Đức, Thụy Điển, Canada nghiêm cấm hành vi này còn Anh chỉ cho phép nếu người đàn ông để lại di chúc chấp thuận.
Vấn đề đạo đức
"Mối quan tâm lớn nhất là tôn trọng mong muốn của bệnh nhân", Elizabeth Yuko, một nhà đạo đức học cho biết. Tất nhiên, trong trường hợp bệnh nhân đã qua đời, bác sĩ chỉ có thể đoán biết nguyện vọng của họ. Đội ngũ y tế cần cân nhắc tương lai của đứa trẻ; quyền sinh sản hoặc không sinh sản, quyền có con cháu của gia đình; nghĩa vụ giảm nhẹ nỗi đau cho những ai còn sống và bảo toàn cơ thể người đã khuất. Nói ngắn gọn, khi khai thác tinh trùng từ tử thi, ta phải tự hỏi sự sống là gì, cái chết là gì.
Cách đây 40 năm, thái độ của cộng đồng về việc lấy tinh trùng của người chết vô cùng tiêu cực. Rothman từng bị một phụ nữ tấn công. "Cô ấy ghét điều tôi làm", ông nhớ lại. Năm 1998, một bài đăng trên tạp chí Y khoa Anh thẳng thừng chỉ trích các bác sĩ "vô tình lạm dụng cơ thể người chết để thỏa mãn phụ nữ", đồng thời đề nghị bệnh viện "phải đủ can đảm để từ chối gây tổn hại cho bệnh nhân chết não".
Gần đây, quan điểm của cộng đồng xung quanh việc lấy tinh trùng từ xác chết đã thoáng hơn. Năm 2015, các nhà đạo đức học Australia công khai ủng hộ hành động này, lập luận rằng có nhiều lợi ích cho cả người đã chết lẫn người còn sống, và rằng phúc lợi của bà góa cùng đứa con tương lai mới là mối quan tâm chính. Một cuộc khảo sát qua điện thoại năm 2014 ở Mỹ cho thấy 70% đàn ông 18-44 tuổi đồng ý cho lấy tinh trùng từ thi hài mình để vợ mang thai nếu không may qua đời.
Vậy còn những đứa bé? Vài luồng ý kiến cho rằng sử dụng tinh trùng của người chết sẽ đẩy con trẻ vào hoàn cảnh khó khăn, không bao giờ biết cha ruột mình là ai. Số khác lại phản bác với lập luận không phải em nhỏ nào cũng biết cha ruột dù họ còn sống.
Julianne Zweifel, nhà tâm lý học lâm sàng kiêm thành viên ủy ban đạo đức tại Đại học Y Wisconin nhận định: "Tôi không nghĩ điều này sẽ tạo ra môi trường tâm lý tốt cho trẻ. Bé dễ trở thành thứ gợi nhớ đến cái chết. Nó sẽ cảm nhận được người ta đang tìm kiếm trong nó hình bóng của người cha quá cố". Đó là chưa kể đến nguy cơ bệnh tật nếu tinh trùng không được kiểm soát và lấy từ tử thi vô danh.
Dù sao đi nữa có rất ít công trình về tác động tâm lý hoặc ảnh hưởng sức khỏe của những bé được sinh ra từ người cha đã chết. Năm 2015, một nghiên nhỏ thực hiện trên 4 trẻ chào đời từ tinh trùng của người chết não cho thấy các em phát triển hoàn toàn bình thường.
Một phần của người thương yêu
Đáng ngạc nhiên, bất chấp những tranh cãi về quyết định và quá trình thực hiện, hầu hết thân nhân không hề động đến tinh trùng của người chết. Một bài báo trên tạp chí Fertility and Sterility chỉ ra "không mẫu tinh trùng nào trong số 21 mẫu cất trữ ở Israel suốt 8 năm qua được sử dụng".
Trong số 200 ca lấy tinh trùng mà Rothman và Bastuba thực hiện, chỉ 2 trường hợp dùng để thụ thai. "Hầu hết mọi người yêu cầu tách tinh trùng chỉ nhằm làm dịu đi nỗi đau mất người thân", Rothman lý giải. Bastuba đồng tình: "Điều này xuất phát từ nhận thức, từ mong ước giữ lại một phần của người thương yêu".
Về phần Ana Clark, đã gần 2 năm kể từ ngày Bastuba lấy tinh trùng từ thi hài Mike. Khi được hỏi liệu còn muốn mang thai với người chồng quá cố, Ana trả lời: "Tất nhiên. Chẳng có lý do gì tôi lại không làm". Gia đình cô hoàn toàn ủng hộ. Góa phụ trẻ đang hoàn thành nốt chương trình thạc sĩ để có thể chăm lo tốt cho em bé sau này. "Tôi không muốn có con với ai nữa. Tôi chỉ muốn sinh con cho chồng", Ana khẳng định.